Nhu cầu sử dụng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Internet ngày nay là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là với giới trẻ, với các cô cậu tuổi teen ưa cái mới, thích khám phá. Tuy nhiên, song song với nó là một thực trạng cũng không thể phủ nhận – ngôn ngữ mạng đang “tung hoành” trong học đường, làm biến dạng ngôn ngữ tiếng Việt, “tạo lập” nên một loại hình ngôn ngữ “độc” mà chỉ có teen mới hiểu…
I. Ngôn ngữ của teen trong thế giới ảo
Chat (chuyện gẫu, chuyện phiếm) là một hình thức trao đổi thông tin phổ biến trên Internet. Giới trẻ độ tuổi từ 12-19, 20 là lứa tuổi thích thú và sử dụng hình thức này nhiều nhất, ham mê nhất. Chat mở ra trước mắt các em một thế giới mới mẻ, lạ lẫm, phong phú với các mối quan hệ rộng rãi, không phân biệt biên giới, tính cách, thậm chí là tuổi tác. Lướt qua các tiệm Internet công cộng, không khó khăn gì để nhận thấy những cô bé, cậu bé cấp 2, cấp 3 ngồi say sưa lách cách bên bàn phím, liên tục sử dụng các Icon (biểu tượng) của Yahoo (mặt đỏ, cười nhe răng, ôm bụng cười lăn lóc, tức giận phì khói ra 2 bên tai …), mắt chăm chú vào vài ba “cửa sổ” trên màn hình – mà mỗi cửa sổ là 1 người bạn “trên net”, miệng mỉm cười, có cô cậu đôi khi còn bật cười thích thú thành tiếng… Họ đang chat đấy.
Việc đối thoại trực tiếp qua chat đòi hỏi tốc độ và phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh nên dẫn đến tình trạng “tối giản” trong ngôn ngữ để tiết kiệm thời gian. Thay vì gõ “đúng vậy”, chỉ cần “yes” hoặc “ok”. Thay vì nói “ôi buồn cười quá đi mất”, chỉ cần gửi đi 1 icon đang cười sằng sặc…
Hỗ trợ cho “chat” là các forum (diễn đàn), blog cá nhân… - thế giới riêng của các em, nơi các em thoải mái sử dụng thứ ngôn ngữ đặc biệt của riêng mình.
Tuy nhiên, các teen không chỉ dừng lại ở đó, việc tối giản quá mức cộng với nhu cầu tạo “style” riêng cho bản thân khiến cho đường đi của ngôn ngữ mạng dài bất tận và không ngừng đổi mới.
1. Fá káck
Xin được dùng chính cách viết của teen để bắt đầu mô tả loại hình ngôn ngữ lạ lẫm này. Tràn lan trên các diễn đàn, blog là cách viết kiểu “dành cho những teen yêu thích sáng tạo” như thế này. Sẽ thật “wê 1 kục” (quê một cục) khi bạn viết “thích quá”, mà nên viết là “thik wé”. Không thể viết “bà con”, mà phải là “pàkon”. Tương tự như vậy, teen có những cách viết khiến ai không quen dễ hoa mắt chóng mặt: “kông fu hỉ” (công phu nhỉ), “kảm xúc kủa kon ngừi” (cảm xúc của con người), “nói dzối tui hả” (nói dối tôi hả)… Dường như có một qui luật chung, chữ “c” bị các bạn thay thế bằng chữ “k”, “i” thay thế bằng “y”, “qu” thành “w “, “b” thay thế bằng “p” .vv và vv. Như thế mới chứng tỏ sự “pro”, sành điệu, không chạy theo lối nói “mòn như những đồng xu” mà thầy cô vẫn dạy trên lớp từ xưa đến nay.
2. Kỉu zản lược hít mức (Kiểu giản lược hết mức)
Trong cách viết này, thông thường các kí tự dễ bị “bay hơi” nhất là “ô”, “ê”, “n”. “Luôn luôn” sẽ được “chế biến” thành “lun lun”, “yêu quá” sẽ thành “iu wá”, “lối viết” sẽ là “lúi vít”, còn “không” sẽ chỉ cần viết đơn giản là “kôg”, hoặc giản lược hơn nữa - chỉ cần 1 chữ “k” là xong, “bây giờ” thì chỉ cần “bi h” - thật là tiết kiệm. Có lẽ do nhu cầu cần trao đổi thông tin nóng hổi, nhanh chóng nên các bạn đã sử dụng thành thạo phép giản lược để “cải tiến” ngôn ngữ tiếng Việt trở thành ngắn gọn hết mức có thể. Mặc dù khá thường xuyên tiếp xúc với các blog, diễn đàn, cũng nói chuyện với nhiều chatter “xì-tin”, nhưng đôi khi người viết cũng bó tay trước nhiều cách viết quá “fá káck”.
3. Kỉu… chỉ có teen mới hỉu (Kiểu chỉ có teen mới hiểu)
Bên cạnh 2 kiểu viết phổ biến nêu trên, ngôn ngữ mạng của thế hệ 8, 9x còn muôn hình vạn trạng. Có kiểu dùng phím Shift để cách điệu, khiến cho trong một từ nhưng các kí tự được viết hoa, viết thường xen kẽ không theo trật tự. Chẳng hạn: “PhOnG CáCH DàNh cHO NhỮNg tEEN yÊu ThíCh SÁnG tạO”. Kiểu nhấn Shift ngẫu nhiên này có vẻ được các bạn rất ưa chuộng vì “độc đáo, lạ mắt”. Lại có kiểu dùng các dấu, các chữ có sẵn trên bàn phím để biểu diễn. Ví dụ: “Kj3^?u ngh3^. thu4^.t(d4`nh ch0 nhu*~ng t33n pr0)” (Kiểu nghệ thuật dành cho những teen pro).
Chưa hết, một kiểu nữa “đang mốt” hiện nay là cách nói “song ngữ Việt –Anh”. Các bạn trẻ 8, 9x “sính” cách nói này vì nó thể hiện “đẳng cấp”, ta đây chuộng ngoại ngữ. Nhan nhản trên mạng là cách nói chêm tiếng Anh loạn xạ kiểu: “ok hay không thì cũng nhớ call lại (gọi lại) cái nhé”, hay là “Oh my God (Lạy Chúa), thi lại rồi”, “Lần này tao die thật rùi” (Lần này tao chết thật rồi)… Thực ra những từ tiếng Anh các bạn sử dụng đều khá đơn giản, thông dụng, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ trở thành lố bịch. Hãy thử tuởng tượng trong một câu ngắn mà đệm tới 3, 4 từ tiếng Anh, cứ “ok, you, me” loạn xạ lên thì sẽ phản cảm đến mức nào. Đấy là chưa kể nhiều bạn còn dùng tiếng Anh để văng tục như cách nói cửa miệng, nghe rất chướng tai. Đáng ngại là cách nói này lại dễ đi từ thế giới ảo vào đời sống nhất.
Để minh hoạ sinh động cho sự muôn hình muôn vẻ trong ngôn ngữ mạng của các “chatter Việt”, xin trích dẫn một đoạn trong bài “Ngôn ngữ Chát” của Joe – anh chàng người Canada đang sống tại Việt Nam - người mà trình độ tiếng Việt và khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Việt đã rất nổi tiếng trong thế giới mạng.
Chuyện “1,2,3 dzô” nhắc lại 1 đìu khác nữa: mún trở thành chatter VN thiệt thì lúi vít kủa mìn nên dc bày biện bởi nhiù kon số! Thay vì “chào” bạn, mìn sẽ “2” bạn thui! Thay vì chúc bạn ngủ ngon, mìn sẽ “g9” bạn thui! Và có ai hỏi số dt thì mìn sẽ trả lời ngay: 6677028!
Dù sao ngun ngữ kũg hôg fản ánh đc kảm xúc kủa con ng bằg hìn ảnh, và hôg có hìn ảnh nào fản ánh kảm xúc kủa kon ng như mụt gươg mặt! hihi! Sao? Bạn hôg tin hà? Bạn k tin Mr. Joe tội nghiệp hả? Bùn kừi wá nhỉ! Mìn hôg nói dzối đâu nhá! kác bạn có bít FíM sHiFt hÔg? MiN sẽ dZùNg kái Fím áy để tRaG tRí vĂn KủA MìN mụt Chút. FảI LuN LuN Cố gắg Để cHữ kủa MìN đẹp HơN Chữ KủA nG` kHáC cHứ! gọi Là Sĩ dZiện Điẹn tử đấy!! Hihi!!!! XoG! Bh MìN đã BíT cHáT Chít NhƯ 1 Ng Vịt cHíNh GúC rùi! DzUi wá, tHíX LéM! NhƯg MìN VẫN hƠi Lo, hÔg BíT tƯơNg lAi kủa nGuN nGữ Tiếg VịT tHâN iU kủa MìN sẽ Là nTn? ThUi kệ! bh Là TK21 rùi, Lo j mà vớ VỉN tHế! Kekekekekekekekekekekeke!!!!! ”
II. Từ ảo đến thực
Ngôn ngữ mạng “xâm thực” học đường.
Mới đây, cư dân mạng xôn xao vì bài văn của một học sinh lớp 10G5 trường Marie Cuire - bạn Bùi Minh Thu. Đề thi là: “Sau khi chết ở Giếng Loa thành, Trọng Thuỷ đã xuống thuỷ cung và gặp lại Mỵ Châu. Em hãy tưởng tưởng và kể lại câu chuyện đó”. Bài văn của Thu Minh đã sử dụng khá đầy đủ các kiểu tiếng lóng, kí hiệu rất phổ biến trong ngôn ngữ mạng. Từ kiểu giới thiệu rất chuyên nghiệp, phân vai nghiêm chỉnh: “10G5 – Intertaiment xin trân tọng giưói thiệu: Chuyện Mỵ Châu - trọng Thuỷ phần 2 qua giọng kể của cá nghệ sỹ: Nấm baby, Ngọc lazzy, Lynk zenny, Quân bò sữa, My thạk sùng…”. Đến các câu văn sử dụng tiếng lóng đang rất phổ biến trong giới trẻ như: "Đồ quỷ sứ, tao là đàn bà phụ nữ hẳn hoi, hàng họ đầy đủ, tem chưa bóc, còn zin 100%, thế mà mài dám gọi tao = anh àk, bà lại vả cho một fát thì hết cả lấc cấc bây h”. Và cả những đoạn “sáng tạo” khiến các nhân vật truyền thuyết cũng phải… toát mồ hôi hột: “Khi chỉ đường cho Trọng Thủy gặp Mỵ Châu, "Long Vương nói: Ngươi đi tới hành lang kia, đâm thẳng, xuyên thủng, rẽ lung tung, cứ thế là tới được room of Mị Châu”, và "Hai vợ chồng gặp nhau, vui mừng như vừa hack được 100k Vcoi, liền xin Long Vương cho đăng ký hộ khẩu thường trú tại thủy cung & xin được cấp sổ đỏ. Họ mở một cửa hàng internet quy mô nhỏ & bán kèm các loại thẻ như: VLTK (võ lâm truyền kỳ), Audition, thẻ Vinaphone, Mobilephone & Viettel. Cửa hàng ngày càng phát triển, 2 vợ chồng không còn phải đụng tay vào việc gì nữa mà để cho oshin làm”.
Theo điều tra thì đây chỉ là bài văn Thu viết chơi, không nộp, nhưng điều đáng buồn là nó đã được phát tán trên mạng kèm điểm 9 và lời phê giả danh giáo viên cũng “xì-tin” không kém: “Chữ sạch, đẹp. Liên tưởng phong phú. Bài viết sử dụng quá nhiều từ ngữ chuyên môn hiên đại, cô không hỉu
”
Trường hợp của Thu chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ khác về việc ngôn ngữ mạng đã tràn vào môi trường học đường. Nhiều giáo viên đi chấm thi tốt nghiệp, chấm thi đại học đã gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi học sinh viết: “Bác thật quá sành điệu khi biết tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên – Sáng ra bờ suối tối vào hang”, hay “Dòng thơ bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm lãng mạng ơi là lãng mạng”, "Nguyễn Khoa Điềm sáng tạo ra âm hưởng chữ tình trính chị để xây nên một Mặt đường khát vọng hoành tráng", "Cuộc sống mà Nam Cao không bàng quang”...
Một kiểu “trữ tình ngoại đề” cũng rất phổ biến nữa là học sinh khi không làm được bài thì coi bài thi là forum luôn - thản nhiên “dốc bầu tâm sự”: "Nhà em vốn rất nghèo, em học hành chăm chỉ lắm, bỗng nhà em vụt khá giả, có nhà cao cửa rộng, thế là em bị cuốn vào cơn lốc cuộc đời. Tạm biệt thầy cô nhé, năm sau em sẽ cố gắng để trở thành một học trò tử tế”... Hay “Thầy cô nương tay cho em. Thầy cô thương em thì thương cho trót. Em thi lần này là lần thứ 3 rồi…”.
Có lẽ việc tiếp xúc quá nhiều, quá thường xuyên với thế giới ảo đã khiến các em xoá nhoà danh giới giữa thế giới mạng và thế giới đời thường. Nhiều phụ huynh đã tá hoả khi một ngày nghe cậu ấm vỗ đùi: “Mẹ thật bá cháy bọ chét, cho con thêm 50k (50 nghìn) đi chơi nhé”, hay khi cô chiêu gọi điện xin phép: “Bố ơi, con không ăn cơm nhà tối nay nhé. Con có một cái party (bữa tiệc) không thể cancel (bỏ) được. Con sẽ về before eleven p.m (trước 11h tối). Bố không phải call (gọi) cho con đâu nhé…”.
2. Và những báo động đỏ về văn hoá.
Câu chuyện ghi lại tại một quán Internet:
Hai cô nàng tuổi teen đang ngồi chat. Một cô than thở: “Tao đói bụng quá!”. Cô kia thản nhiên: “Tao có cái quần nè. Ăn không?”. Cô này đang đói nhưng cũng “bật” lại ngay: “Đâu, mày cởi quần mày ra đi. Tao ăn cho mày coi”… Quán còn có rất nhiều người nhưng hình như hai cô bạn không hề ngại ngùng, trái lại còn cố tình nói to để cả quán cùng nghe và cười hô hố.
Đây có lẽ là trường hợp không hiếm tại các nơi công cộng. Các bạn văng tục, chửi thề, dùng ngôn ngữ, cử chỉ lóng vẫn hay sử dụng trên mạng để đối đáp, sát phạt nhau. Nếu có ai chướng tai nhận xét, góp ý hay tỏ ý khó chịu thì họ sẵn sàng phớt lờ hoặc “khẩu chiến” luôn mà không ngần ngại.
Một kiểu đối đáp cũng thường gặp trong câu chuyện của 9x hiện nay là kiểu “lôi bố mẹ vào cuộc”. Khi bất đồng quan điểm hay xích mích gì đó là các teen sẵn sàng: “Gọi bố mẹ mày ra đây nói chuyện với tao. Mày không có tư cách tranh luận với tao, nhá!”; hoặc là: “Thằng Hùng Sơn (Sơn là tên bố Hùng) dạo này cặp với con Mai 10Anh hay sao í nhỉ? Thằng này lởm khởm thế mà số xuân ra phết!”… Thứ ngôn ngữ tưởng chừng chỉ để nói cho vui đã bị các bạn tuổi teen lạm dụng, quen miệng nên sử dụng luôn trong ngôn ngữ hàng ngày khiến người nghe phản cảm. Nó không chứng tỏ “đẳng cấp” hay “phong cách” cho tuổi mình như các bạn nghĩ, mà lại có tác dụng ngược - tố cáo sự thiếu lịch sự, thiếu văn hoá của người phát ngôn.
Thay lời kết.
“Xin đừng làm tiếng Việt đau!” – Đó là tít một chủ đề trên diễn đàn đã thu hút rất nhiều cư dân mạng. Họ tham gia diễn đàn và đưa ra rất nhiều nhận xét, đánh giá, dẫn chứng minh hoạ sống động về tình trạng “làm méo ngôn ngữ tiếng Việt” của giới trẻ hiện nay. Có một điều đáng nói là, những thành viên tích cực đó phần lớn là “người lớn” - những người yêu tiếng Việt, yêu sự truyền thống của tiếng Việt, xa lạ với những cách tân, “fá kách”. Còn các bạn tuổi teen lại vắng bóng trên các toppic kiểu này, nếu có tham gia thì cũng chỉ là những nhận xét nước đôi, thanh minh yếu ớt rằng “tiết kiệm thời gian, nói cho vui, nhìn cũng bắt mắt…”. Cá biệt mới có trường hợp teen vào diễn đàn này để ủng hộ quan điểm “bảo vệ tiếng Việt”, phản đối việc lạm dụng quá mức cách nói lóng, nói tắt, văng tục, chửi thề của giới trẻ hiện nay.
Giới trẻ thích mới lạ, thích sáng tạo, thích khám phá, luôn muốn từ chối lối mòn, điều đó hoàn toàn chính đáng. Xét ở một khía cạnh nào đó, họ chính là “nhà sản xuất” và đồng thời cũng là “người tiêu thụ” sản phẩm ngôn ngữ mạng. Điều quan trọng là phải nhận thức cho đúng đâu là điểm dừng, đừng khiến ngôn ngữ mạng trở nên vô nghĩa và phản cảm trong thế giới thực của những văn bản chính thống, những giao tiếp xã hội chuẩn mực.
Tiếng Việt - bản thân nó đã rất phong phú và vẫn đã và đang không ngừng phát triển. Có nhiều cách để làm tiếng Việt trở nên phong phú hơn, nhưng không phải bằng cách làm biến dạng, méo mó nó, khiến nó trở nên xa lạ ngay cả với người Việt.