| TÌM HIỂU CÁI ĐẸP SÂU LẮNG TRONG THƠ HAIKU NHẬT BẢN NGUYỄN NGHI
Nhờ cầu nối giao lưu ngày càng mở rộng trong thế giới hiện đại, từ lâu nền văn học Nhật Bản đã không còn xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Công chúng nước ta đã làm quen với thơ Haiku của nhiều nhà văn cổ điển và hiện đại đến từ xứ mặt trời mọc.
Nếu như áo Kimônô là áo truyền thống của Nhật Bản thì thơ Haiku là biểu hiện phong cách và tâm hồn của họ. Thơ Haiku là toàn bộ thế giới thơ ca nghệ thuật là thơ ca của cảm thức, của trực giác tâm linh thường nhắc đến nhiều nhất là Sabi (Tịch).
Cảm thức cái đẹp Sabi, muốn ám chỉ bằng một loạt từ khác nhau như: cô liêu, tịch lặng, cổ xưa, đơn sơ,... cái đẹp thiên nhiên làm cho thơ Haiku hài hoà giữa đất trời và tâm hồn con người, giữa thực tại và thiên nhiên vũ trụ.
Trong chữ Nhật, một bài thơ Haiku thường nằm gọn trong một dòng, càng có vẻ ít lời mà độ nén chiều sâu nghệ thuật cao và hầu như ít có đầu đề. Khi dịch ra tiếng nước ngoài thường xếp thành ba dòng, trông như ba câu, là một thể thơ phát triển lạ thường từ thế kỷ mười bảy ở Nhật. Hiện nay, thơ Haiku đã xâm nhập vào nền thơ ca của nhiều nước Đông – Tây.
Bài : Dù tan đi vỡ lại Vầng trăng nơi đáy nước Còn mãi.
Cho dù có sóng dữ ba đào nhưng cuối cùng vầng trăng đáy nước vẫn còn in bóng, đọng lại mối tình thể hiện cái tâm hồn nội tâm trong thơ. Trong chiều sâu thẳm thì nỗi buồn cũng là cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp cô đơn tịch lặng, có thể so sánh với cái tôi cô đơn trong thơ mới lãng mạn Việt Nam.
Bài :
Trên cành khô, cánh quạ đậu, chiều thu
Bài thơ đơn sơ cực độ mà sâu thẳm tột cùng. Một buổi chiều mùa thu xám tối, âm u “đậu” trên cành khô hiu hắt, dường như bất động nhưng nó đang chuyển động cả vũ trụ, cả sự mênh mông cô tịch của hoàng hôn.
Toàn thể hình ảnh ấy là sự cô tịch. Cành cây, con quạ, chiều thu là sự cô tịch trong tâm hồn như lắng nghe niềm im lặng bất tuyệt của chân không.
Bài :
Ao cũ, con ếch nhảy vào, vang tiếng nước xao
Dường như là tiếng vang của nước mà con ếch đã khuấy động nên, ao cũ tịch lặng, con ếch dường như đánh thức vũ trụ bằng bước nhảy vào cái ao là toàn bộ đời sống thực tại vẫn đang tràn đầy sinh lực.
Bài:
Chim Kankodori ơi, đem nỗi buồn thăm thẳm, lắng đọng vào tôi.
Biểu tượng chim Kankodori có thể như cánh cò trong văn học Việt Nam trong buổi chiều tà hoàng hôn, cái tôi buồn hay cái đẹp nỗi cô đơn mất mát của chim Quốc đem nỗi buồn sâu thẳm của tình người lắng đọng trong cái tôi buồn. Nét đẹp cô đơn này không phải là ngục tù riêng lẽ mà là cô đơn với đất trời vũ trụ là sự chững lại những huyền diệu của thiên nhiên.
Thẩm mỹ Sabi là cách diễn đạt sinh động tư tưởng nền tảng trong nghệ thuật Phù Tang. Cái đẹp thiên nhiên quyện vào tình người, mượn chiếc gàu bị vương dây bìm bịp là cái cớ làm quen, trong bài:
Hoa bìm bịp, chiếc gàu vương bên giếng, đành xin nước nhà bên.
Cái đẹp ngộ nghĩnh đưa hai tâm hồn bạn trẻ gần nhau, tình cảm nảy nở chất chứa trong lòng tiềm ẩn từ lâu nay mới có cơ hội dâng trào. Bài thơ thể hiện cách làm quen lấy cớ chiếc gàu vương, đành xin nước nhà bên. Hoa bìm bịp là loại hoa dại vắt trên bụi cây làm sao vương gàu là cái cớ chấp nhận được, với nét đẹp kín đáo của người con gái thôn dã làm xao xuyến tâm hồn người con trai.
Bài thơ giống ca dao Việt Nam trong bài “Tát nước bên đình” quên áo trên cành hoa sen và hoa sen làm gì có cành cũng là cái cớ. Hai cái cớ trong văn học viết và văn học dân gian Á Đông xa nhau về không gian nhưng có chút gì gần nhau về thời gian, “quên áo” hay “vương gàu” đều là cái cớ để xích lại gần nhau, biểu hiện tình cảm sâu lắng trong tâm hồn của đôi trai gái.
Dường như tâm hồn của hai dân tộc phương Đông đã tìm thấy chỗ tương hợp qua sự đồng cảm với những vần thơ hàm súc mang chiều sâu triết lý phương Đông.
Có thể nói cái đẹp sâu lắng trong thơ Haiku Nhật Bản qua những bài thơ trên là cái đẹp tình người, hoà lẫn thiên nhiên quyện vào cái tôi dịu dàng lắng đọng là nét đẹp độc đáo trong thơ Haiku vậy. | |